Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7/11,âydựngcơchếhoàntiềnchongườihưởngBHYTphảimuathuốmail đại biểu Quốc hội Hà Hồng Hạnh (Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa) nhắc lại ý kiến của Ủy ban Xã hội cho rằng nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, để người dân đi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua thuốc điều trị thì cần có cơ chế hoàn trả để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. "Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về đề xuất này?", bà Hạnh nói.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua bên ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua sẽ có nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn; rủi ro lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong thanh toán.
Bà Lan cho hay sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc và xảy ra thực trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc điều trị. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, song Bộ trưởng Y tế thừa nhận "chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc".
Bộ trưởng cho biết đã giao Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư và cơ chế để thanh toán tiền cho người bệnh. "Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế", bà Lan nói.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở thực hiện chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bộ cũng đề xuất cơ chế giúp cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc; rà soát và dự kiến năm 2024 bổ sung danh mục thuốc cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Vấn đề hoàn tiền cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm phải mua thuốc bên ngoài cũng được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội hôm 31/10. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ có cơ chế trả lại kinh phí cho người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài nếu những loại này có trong danh mục được thanh toán BHYT.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng vấn đề này đã được đại biểu đưa ra từ các kỳ họp trước song trong báo cáo của Chính phủ còn sơ sài về hướng xử lý. "Bảo hiểm y tế có trách nhiệm gì trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc này. Vì đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta", bà Lan nói.
Đại biểu Phong Lan cho rằng việc cập nhật danh mục thuốc BHYT cho bệnh nhân ở Việt Nam rất chậm so với các nước. Đơn cử, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 đến 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Sáng mai, lãnh đạo các ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông có thêm 1,5 giờ trả lời chất vấn, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm.